Đối với NỀN CÔNG NGHIỆP ĐƯA VÀO SỬ DỤNG CÁC VẬT LIỆU ĐÃ CHẾ LUYỆN, Oger đã phân ra 14 mảng nhỏ gồm 1.154 bản : thương mại, đá, mô típ và đồ trang trí, nghề chạm trổ và tạc tượng, đồ vật thờ cúng, nghệ thuật nấu nướng, may mặc, nghề hoạ và sơn mài, kĩ nghệ nhà cửa, đồ đạc bày biện trong nhà (hình 42), đồ nghề, khí cụ, máy móc, nghề làm mứt, bánh ngọt.
1. Các đồ đạc bày biện trong nhà chiếm một số lượng lớn kí hoạ gồm 125 bản thì đồ dùng cúng tế cũng không kém: 124 bản, trong đó đồ hàng mã chiếm vị trí quan trọng như “đôi giày đầu chim phượng” (hình 43). Bên cạnh đó, còn những đồ trang trí các mẫu hoa văn như “cái be hình rồng nổi” (hình 44).
2. Tuy nhiên, chúng ta lấy làm lạ tại sao bức kí hoạ ông “thầy địa lí xem đất” (hình 45) lại có mặt ở trong mảng đồ cúng tế ở đây? Trong khi chính Oger đã đưa vào mảng “phù phép và bói toán” sau này?
“Hòn đất mà biết nói năng,
Thì thầy địa lí hàm răng không còn”
Đúng là hòn đất không biết nói năng thật. Nhưng cái địa bàn thầy cầm tay – mà Oger chú ý – nó sẽ biết nói “đâu là dương cơ” (đất cất nhà cửa, lập thành luỹ), đâu là âm phần (đất để chôn người chết).
Do chuộng phong thuỷ hay địa lí mà trong dân gian có khi phải thưa kiện để giành đất mả, thậm chí có kẻ đào trộm mồ mả người khác để táng hài cốt ông bà mình vào đó. Thì ra, chính cái địa bàn linh thiêng, mà Henri Oger xem như là “đồ cúng tế”!?
3. Trong mảng kĩ nghệ nhà cửa, Oger tập trung những bức ghi lại việc đắp đất làm nền … không chỉ để cất lên mái tranh vách đất cho người nghèo hay cái “chòi con giữ nhà” (hình 46) (1) mà còn những ngôi nhà mái ngói hay lâu đài, dinh thự cho người quyền thế, giàu sang.
_______
(1) Tiêu liêu thủ xà.
4. Việc ở đã vậy, còn việc may mặc thế nào? Oger chọn được 154 bức, trong đó có bức người “thợ giặt là” cầm bàn là phun nước (hình 47) (2) và một người bồi đang giặt quần áo. Không biết ông cha Việt Nam có nghề này từ bao giờ? Chứ từ thời Pháp đô hộ thì nghề này đã thịnh hành. Cục xà bông và cái bàn chải trên bàn giặt ở nơi nào đó đã thay cho đôi bàn tay với nước tro, nước bồ hòn trên cầu ao.
______
(2) Trác y.
5. Bây giờ chúng ta đang xem những bức kí hoạ về việc nấu ăn. Nấu ăn thì đúng là phải có đèn đóm, bếp núc, lửa củi. Phải chăng vì thế mà Oger đã đưa vào bức kí hoạ hai ông tiên ghiền đang nằm “hút á phiện” bên cạnh chiếc bàn đèn (hình 48)? Và cảnh “chú khách bán rong” ban đêm với cái bếp nấu ăn di động (hình 49).
Có phải chú bán mì chăng?
6. Trong mảng “thương nghiệp” chúng ta thấy những bức ký hoạ ghi lại cảnh bán rong trên đường phố như: bán trà, bán điếu, bán thuốc bắc, bán nước mắm, bán than, bán mắm tôm, bán trâu, bán lợn … thậm chí Henri Oger đã xếp đặt cho cả người “Vác xâu tiền đi chợ” cũng vào mục “thương nghiệp” này (hình 50).
Nói đến thương mại, buôn bán thì phải nói đến chợ búa, hàng quán! Nhưng tại sao trong số 54 bức thuộc ngành này, tuyệt nhiên ta không thấy có bức nào ghi lại cuộc nhóm họp trao đổi hàng hoá? Đó là vấn đề ta cần tiếp tục suy nghĩ.
Trước mắt chúng ta là bản vẽ “Vác tiền” mà H.Oger còn để lại – trông thật ngộ nghĩnh. Nguồn sử liệu bằng hình ảnh này có thể sử dụng để đối chiếu so sánh với những lời mô tả bằng chữ viết mà Alexandre de Rhodes đã để lại trong quyển “ lịch sử Vương quốc Bắc Kỳ”(Histoire du Royaume du Tonquin) sau khi truyền đạo tại Trung và Bắc Kỳ vào những năm 1625 – 1630 và 1640 – 1645 của thế kỉ 17.
Alexandre de Rhodes đã viết “ Dân xứ này thường xâu 600 đồnglại với nhau và trong mỗi xâu như vậy – họ chia ra làm mười chuỗi nhỏ, mỗi chuỗi 60 đồng. Như thế thật là tiện cho họ để cầm ở tay hay vác trên vai khi đi chợ vì họ không dùng túi để đựng tiền như ở xứ ta…”.