Phương pháp Henri Oger

Phân loại CÁC MẢNG ĐỀ TÀI (theo H. Oger)

Trong bộ Album này, Henri Oger đã phân thành bốn mảng đề tài lớn: ba mảng đầu là ba nền công nghiệp (đời sống vật chất), một mảng cuối là đời sống riêng tư và công cộng (đời sống tinh thần).

  1. Nền công nghiệp lấy nguyên liệu từ trong thiên nhiên.
  2. Nền công nghiệp chế luyện các vật liệu lấy từ thiên nhiên.
  3. Nền công nghiệp đưa vào sử dụng các vật liệu đã chế luyện.
  4. Đời sống riêng và chung.

        Đối với NỀN CÔNG NGHIỆP LẤY NGUYÊN LIỆU TỪ TRONG THIÊN NHIÊN, Oger tập trung được 26 bản vẽ (1) và tiếp tục phân loại thành 5 mảng nhỏ, trong đó nghề nông có số lượng kí hoạ cao nhất rồi đến vận chuyển, hái lượm, săn bắn, đánh bắt cá.
________
(1) Những con số này do chúng tôi thống kê.

     1. Nghề nông gồm những bản vẽ tả cảnh sinh hoạt của người nông dân trên cánh đồng trung du Bắc Bộ: cày bừa, gieo trồng lúa, hoa màu, làm cỏ, đánh đống rơm, thu hoạch mùa màng…
     Nói đến nông thôn mà không nói đến một lớp người trung gian chuyên làm nghề mua bán trâu thì thật thiếu sót, H. Oger biết được điều đó nên cũng xếp anh “lái trâu” vào mục nông nghiệp này (?) (Xin xem hình 128).
     Ngày nay chúng ta thường trông thấy nhiều loại bảng cấm, nhưng có ai còn được thấy một loại bảng cấm ngày trước ở nông thôn? Đó chỉ là một cọc tre vạc một mặt để viết dòng chữ Hán và một cây tre róc sạch cành lá cắm bên cạnh. Đầu cây tre này có treo hai cành nhỏ để làm dấu cho mọi người biết chỗ yết thị mà xem:
        “Thử xứ cấm bất đắc phóng uế” (Cấm không được phóng uế nơi đây)
          Loại bảng cấm này có mặt trong mảng nông nghiệp (hình 28)

     2. Trong mảng đánh bắt cá, chúng ta thấy nhiều kí hoạ không chỉ đánh bắt cá ở chỗ nông hay sâu mà còn những bức mô tả cảnh quen thuộc như “đánh ống lươn” (hình 29) hay cất vó tôm, mò cua, bắt ốc… cùng những bản vẽ ghi lại các dụng cụ đồ nghề đánh bắt như cạp, giỏ, nơm..
     Ống lươn là một gióng nứa dài độ 40, 50 phân, đường kính 5 hay 7 phân   một đầu để nguyên mắt cho kín, một đầu để cái hom. Đầu hom có gắn 1 cái que dài độ 20 phân cắm xuống bùn, giữ cho ống nghiêng nghiêng, không tiếp giáp với mặt bùn. Người ta thường đặt 1 lúc 20, 30 ống ven theo bờ ao. Ít khi đặt ở bờ ruộng vì ruộng nông ít bùn. Khác với trong Nam, nước sâu nên thường đặt ở bờ ruộng. Chiều nay đặt, chiều mai có thể vớt lên xem chừng.

3. Nếu mảng đánh bắt cá cho thấy nhiều hình thức đánh bắt khác nhau thì mảng săn bắn cũng đa dạng. Nào là bắt rắn, bắt lươn, bắt bồ nông, nhím, ếch, xâm chẫu chàng, hun chuột… với những dụng cụ bẫy, bắt riêng biệt cho từng loại.
    Như trường hợp “thổi xì đồng” bên cạnh (hình 30) mà nghệ nhân có chú thích hàng chữ Hán nội dung: “vào hè, chim sinh sản nhiều, nên kẻ đi chơi hay dùng ống xì đồng này để thổi chim” (hạ tiết, điểu tước đa sinh, cố gian nhân du hí giả, xuy thử xuy đồng). “Xì đồng” là thanh tre hay thanh gỗ bào nhẵn, nhỏ mỏng đều nhau ghép lại rất công phu, dài độ 2m, đường kính ở trong độ 1 phân, 1 phân rưỡi. Xì đồng dùng như một loại súng hơi để đẩy viên bi bằng đất sét ra khỏi nòng. Người ta lấy vỏ trai khoét cái lỗ rộng bằng lỗ xi đồng để làm cái khuôn, nặn viên bi. Thường chiều chiều khi rảnh rỗi, người chơi bỏ đầy đạn vào túi, 1 tay cầm xì đồng, 1 tay cầm sẵn vài viên, rồi thả bộ ngoài đồng. Khi thấy chim, liền cho viên đạn vào đầu lưỡi, mím chặt một đầu xì đồng vào đôi môi, đưa nòng về hướng chim ở tầm xa khoảng 10, 15m, lấy hơi thổi mạnh một cái như trong hình. Ngày trước ngoại thành Hà Nội có hội thi môn chơi này.

     4. Trong mảng vận chuyển, Henri Oger có đề cập đến cách vận chuyển của xã hội Việt Nam thời ấy, trong đó có những bức vẽ lại các loại giỏ… Có bức mô tả các hình thức vận chuyển của một người hay hai người. Nếu là hai người thì dùng đòn gánh để gánh các vật nặng như vò “gỗ” (h ình 31), nếu chỉ là một thì có thể đẩy bè thuyền hoặc kéo ngựa gỗ, xe hay kéo ròng rọc hoặc gánh nước, phân, tre, mía … hoặc vác nứa, đội thuyền, đội giỏ, đội bị gạo hoặc xách nặng, thậm chí xách cả lọ nước mắm. Và đây còn là một  cách di chuyển khác của cậu bé “cõng em” (hình 32). 
     

     Ngày trước tuỳ thời tuỳ nơi mà có hình thức thi cử khác nhau, song nói chung phải trải qua 3 thời kì thi Hương, thi Hội, thi Đình. Tuy nhiên, thi Đình không phải là khoa thi riêng biệt mà chỉ là phần cuối của thi Hội, tức phải có hội mới được vào thi Đình, trong đó Hội vẫn chưa có 1 cách xưng gì riêng biệt mà phải có cả Đình, khi ấy mới có 3 cặp cao thấp:
     – Đệ nhất giáp tiến sĩ  cập đệ gồm 3 người đỗ đầu là Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa.
     – Đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ xuất thân, đỗ dưới Thám Hoa gọi là Hoàng giáp.
     – Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, gồm những người đỗ dưới Hoàng giáp gọi là Tiến sĩ.
     Vào đầu thế kỉ ta còn thấy ông “Tiến sĩ vinh quy” có cờ đề 2 chữ “vinh quy” và có biển ghi 4 chữ “Tiến sĩ xuất thân” như trong hình. Vậy ông nào đỗ Tiến sĩ dưới Hoàng giáp tức là đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khi có kết quả thi Đình, các Tiến sĩ tân khoa được triệu vào sân rồng, vua ngự trên điện, quan học lễ tuyên đọc tên họ từng người thứ tự trên dưới, trước sau. Vua sai Bộ Lễ ấn định mẫu mực mũ áo, cân đai ban cho Tiến sĩ và còn ban thêm ngựa, cờ biển để vinh quy cho như cảnh ở đây.
     Đám rước vinh quy ở đây không long trọng bằng cảnh mà ca dao đã mô tả, không đủ nghi thức:

“Nghi vệ đóng hai bên đường
Ngựa anh đi trước, võng nường theo sau”

    Nếu G.Dumoutier hay bất cứ một nhà Đông phương học nào khác khi nghiên cứu xã hội Việt Nam đều chú ý đến việc tổ chức học hành thi cử ngày xưa, thì Henri Oger không có mảng nói về vấn đề này. Do đó Oger đã nghi lễ “ông tiến sĩ vinh quy” (hình 33) dù có hay không có “nghi vệ đóng hai bên đường, võng anh đi trước võng nường theo sau” cũng chỉ là một loại di chuyển. Ở đây di chuyển bằng ngựa! Thế thôi!

Tiến sĩ vinh quy

Hình 33: Tiến sĩ vinh quy

     5. Trong mảng hái rau quả (cueillette), Oger đã tập hợp những kí hoạ mô tả cảnh cắt măng, cắt rau muống, vớt bèo hoặc những cảnh cắt chuối, lấy sơn, bẻ khế hay long nhãn hoặc hái hoa sen, lẩy hạt ngô, trẩy quả ổi, bẻ vải, “người xả cau” (hình 34), 

Ai về cho gửi buồng cau  Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.

      Ngày trước cúng thầy, cúng gia tiên hay làm lễ cưới hỏi … Lễ vật sơ sài nhất là cau, trầu, rượu, lại còn có cảnh mỗi khi dân vào quan cũng phải có cơi trầu hay năm, mười trái cau, hay thợ có đến xin việc làm như xây cột nhà  cũng phải chẻ cau tươi hoặc năm chục, một trăm miếng cau khô…Qua hình vẽ ta thấy cau là cây suôn, thẳng cao có khi tới 20m, không nhánh, nhưng mỗi mắt cau là vết tích của tàu lá rụng. Khi lá rụng buồng xụ xuống có nhiều nhánh và trái. Đến lúc  cần xả cau, một người trèo chỉ cần dắt con dao bên hông như trong hình rồi bám 2 chân, 2 tay, lần theo mắt cau mà trờn dần lên. Câu đố  dân gian có miêu tả cảnh trèo cau như sau: “chân trói, tay bíu, khi nắc mắt nhìn”. Khi ấy cau đã quá già gọi là “lão lang”, thì không leo lên được nữa, người ta nói đốn đi làm cột nhà mà không dùng bắc cầu ao như  dừa vì  không chắc chắn.
     Và với bức “tranh leo dừa” nên thơ, đây là bức vẽ lại trong dân gian Đông Hồ “hứng dừa” với câu thơ chữ Nôm:

“Khen ai khéo nặn nên dừa
Đấy trèo, đây hứng cho vừa một đôi”

     “Hứng dừa” là một trong những bức tranh nổi tiếng phản ánh sinh hoạt đậm ý vị hài hước. Ở đây, H.Oger để ý đến khía cạnh kỉ thuật dân gian nên dòng ghi chú “trẻ con hái dừa” chưa nói được hết ý nghĩa của tranh.
     Đây là tranh Tết dân gian. Oger hiểu điều đó, nhưng đưa vào mục hái trái (hình 35) ?
     Tuy nhiên, còn bức đi “Nhặt phân” (*) bên đây (hình 36) tại sao Oger cũng lại đưa vào mục hái trái? Phải chăng, chính lời chú thích tiếng Pháp của oger đã đánh lừa chính mình: “la récolte des excréments”.
_____
(*) Thu phân

Nguyễn Mạnh Hùng (PGS TS Sử học)

  Nền CÔNG NGHIỆP CHẾ LUYỆN CÁC VẬT LIỆU LẤY TỪ THIÊN NHIÊN
     (Click xem chi tiết bài viết)