Trong nền hội hoạ cổ phương Đông, một số thảo môc được chọn như cúc, lan, thược dược, mẫu đơn, tùng, trúc … là biểu tượng của huy hoàng và vương giả.
Ở Việt Nam, trúc là loại cây mọc nhiều ngoài đồng rộng vì hầu như ở nông thôn nhà nào cũng có bụi tre, khóm trúc (hình 1). Nhưng nếu để trưng bày cho ba ngày Tết thì tre và trúc không được chú ý mà chính là hoa. Theo tục lệ – là mai, vạn thọ ở Đàng Trong, đào ở Đàng Ngoài.
Hoa mai toả năm cánh như hoa đào, song hơi lớn hơn, khi nở cánh mai xòe ra, mịn như lụa. Nụ mai không chúm chím phô hồng như nụ đào mà xanh màu ngọc bích. Hoa mai nở từng chùm thưa, không đơm đặc như đào. Mai mảnh dẻ và đẹp ở cả hoa lẫn cành, khiến thi hào Nguyễn Du đem so sánh với nét thanh tú của chị em nàng Kiều:
“Mai cốt cách, tuyết tinh thần”
Bên cạnh mai, còn kể đến vạn thọ, một loài hoa Tết ở nông thôn Miền Nam mà mọi người cũng rất quý chuộng.
1. TẠI SAO CÀNH ĐÀO VÀ HOA THUỶ TIÊN VẪN ĐƯỢC DÙNG TRANG HOÀNG NHÀ CỬA VÀO DỊP TẾT?
Cành đào được quen dùng như vật trang trí, đã có từ lâu đời. Những người dị đoan cho rằng người ta đã có lệ chưng cành đào từ thời thượng cổ. Thời ấy, người ta có thói quen gắn lên cành đào một lá bùa hộ mệnh để khử tà ma. Theo dòng thời gian, lá bùa hộ mệnh đã biến mất, nhưng cách dùng cành đào làm bùa hộ mệnh thì vẫn còn. Lối chưng cành đào càng được giữ gìn lâu hơn nữa vì cành đào có kiểu dáng trang trí đặc biệt và hoa đào màu hồng nhạt đích thị là màu của hạnh phúc.
Hoa thuỷ tiên là hoa có mùi hương thoang thoảng, dịu dàng, tế nhị, dưới mắt người Việt Nam, vẫn rất có giá. Người Việt Nam đã đặt cho nó cái tên rất thơ mộng là thứ hoa: “Đĩa bạc, chén vàng”. Thật vậy, những chiếc lá dài màu trắng tinh duyên dáng uốn mình thành hình dĩa nhỏ, trong khi các cánh hoa vàng ánh, cuốn tròn lại kết vào nhau thành hình cái chén xinh xinh. (*)
———–
(*) Dịch theo G.PISIER – “Indochine”, số 75-76, Ngày12.2.1942, trang 17,18,19.
2. HUYỀN THOẠI THUỶ TIÊN
“Than ôi! Sắc nước hương trời
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa!
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà.
Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây?”
Nhà thơ Chu Mạnh Trinh đã từng cảm kích trước vẻ đẹp thanh thoát, trang trọng của Thuỷ tiên trong ánh nắng mùa xuân như trên. Quả thật hoa thuỷ tiên đẹp một cách đặc biệt, từ cách sinh trưởng đến sắc hoa và hương thơm đặc trưng. Nó là một trong những loài hoa quý dùng ướp trà. Chén trà thuỷ tiên được uống vào lúc giao thừa, trong bầu không khí thiêng liêng, lắng đọng quyện với khói hương dâng, thật là ngất ngây, diễm ảo.
Họ thuỷ tiên (Amarylidées) gần giống họ hành (Liliacées), chỉ khác ở chỗ hành có bầu hoa rời, thuỷ tiên có bầu hoa liền. Hoa thuỷ tiên chơi trong ngày tết thường là hoa đơn, có 6 cánh dính liền thành một ống hoa, ở giữa thêm một vòng cổ vàng.
Đúng ra thuỷ tiên nổi tiếng cũng nhờ một phần chăm sóc, gọt tỉa của nghệ nhân. Nó có thể trồng cho lên hoa, hoặc ở trong một chậu cát, hoặc thả bềnh bồng trong một bát nước. Trồng cát thủy tiên sống lâu và hoa tươi kéo dài đến gần hết nửa tháng giêng, trong khi thả nước hoa chỉ nở được có mấy ngày. Nếu thuỷ tiên nở hoa đúng vào lúc giao thừa người ta tin điềm lành, may mắn trong năm.
Có một loại dao riêng để gọt tỉa (hình 2), một đầu chéo to để gọt bẹ, một đầu bé khum khum như chiếc đục thợ mộc để cạo bẹ cho nhẵn. Cứ gọt bỏ dần bẹ ở mặt lõm của củ cho tới khi thấy được dò hoa. Dò hoa có 2 phần, một phần bên ngoài và một phần gồ lên ở bên trong gọi là bầu hoa. Lúc vừa gọt thấy dò hoa, lấy móng tay cạo nhẹ, như vậy dò hoa sẽ mọc cong rất uyển chuyển. Gọt xong ngâm nước vài ba hôm, rồi lấy dao trổ gọt bớt bầu trong đi để dò hoa nẩy mạnh, đồng thời lấy miếng bông thấm nước đắp vào rễ để rễ mọc nhanh.
Hình 3: Hoa Thủy Tiên
Cũng như hầu hết các loại hoa, thuỷ tiên nở sớm hay muộn là tuỳ thời tiết nóng, lạnh, nếu không lạnh lắm và có gió nồm thì từ lúc gọt đến lúc nở khoảng 20 ngày, trời lạnh có thể lên đến 25 ngày. Thuỷ tiên vốn ưa sạch nên hàng ngày phải thay nước, tuy nhiên khi trời quá lạnh, có thể cách vài ngày, như thế hoa sẽ mau nở hơn bằng cách để chậu hoa gần bát hương ngày tết.
Ngâm nước được 5, 6 ngày, công việc uốn tỉa bắt đầu. Tỉa tức là lấy bớt đi cho dò hoa lên mạnh, và uốn là sửa sang cho cây hoa có một kiểu đặc biệt theo ý mình, những kiểu uốn thuỷ tiên đã được các tay sành chơi đặt cho những cái tên thật điệu. “Vũ kiện” là dò hoa vút thẳng lên cao, (hình 3) “Thuỷ ba” là bắt chước làn sóng gợn, kiểu “Phượng vĩ” kết hợp đường cong, lối thẳng dung hòa.
Đã nhiều thập niên trôi qua, cái thú gọt thuỷ tiên không còn nữa. Thời đại cơ giới và tình hình kinh tế từng lúc đã chi phối tập tính, thói quen chơi hoa, không ai còn có thể bình tĩnh ngồi cặm cụi, tỉa gọt củ thuỷ tiên. Đào, mai đã lấn át thủy tiên, để bây giờ nó chỉ còn là rất hiếm.
Huyền thoại thuỷ tiên Đông phương là một thứ cổ tích bình dị, có luân lý, có ý nghĩa răn đời. Truyện kể: ngày xưa, ở tỉnh Chiết Giang bên Tàu, có một ông nhà giàu không may mắc bạo bệnh, qua đời, để lại hai đứa con trai. Người con lớn hung bạo, tham lam, muốn chiếm hết cả phần gia tài, hành hạ, coi em như đầy tớ, người em buồn rầu, không chịu nổi bỏ nhà ra đi. Tới một bờ ao, thấy nước trong, anh ta ngồi lại than khóc hồi lâu. Chợt từ đáy ao sâu anh thấy bóng một bà Tiên hiện ra, dáng điệu thanh cao, mặc áo trắng thêu chỉ vàng, ngoài lại thắt giải lưng xanh. Bà Tiên bảo: Ta là tiên ở dưới nước – Thuỷ tiên, cảm thương nỗi đau của con. Ta cho con một giống cây, muốn trồng nó không cần đất cát, ruộng vườn chi cả. Con chỉ cần thả nó xuống nước, hoặc để trong chậu cát, rồi phép nhiệm mầu sẽ hiện ra, giúp con cơm no áo ấm. Người em nghe theo lời bà Tiên thả mầm cây xuống nước ao trong. Bỗng chốc những lá xanh từ mặt nước trồi lên, và giữa lá có 2 chùm hoa đẹp chưa từng thấy hiện ra. Ngạc nhiên và sung sướng, không biết gọi tên gì, sực nhớ tới bà Tiên anh gọi là Thuỷ tiên. Gây được giống hoa, anh đem ra chợ bán đúng vào dịp tết. Thiên hạ thấy hoa lạ, đổ xô đến mua, tiếng đồn vang đến cả thị thành. Nắm được bí quyết trồng hoa, người em trở nên giàu nhanh chóng, trong khi người anh vì quá tham lam, lại gặp nhiều kẻ lừa bịp, gia tài mỗi ngày bị mất dần.
Còn ở phương Tây, thời Hy Lạp cổ cũng có một thần thoại diễm lệ về nguồn gốc thuỷ tiên. Đó là một chàng trai đẹp, tên là Narcisse, con của thần sông Céphise. Khi mới ra đời, một vị sư đã tiên tri. Narcisse sẽ chết yểu khi trông thấy bóng mình trong gương. Vì vậy suốt thời gian khôn lớn, mọi người đã tìm cách không khi nào cho chàng soi gương. Thế rồi anh chàng cũng có tình yêu. Người yêu của anh là Echo, bị nữ thần Junon phạt, bắt mất tiếng nói chỉ cho phép lặp lại tiếng nói cuối cùng của người khác. Chán nản vì người yêu không biết gì hơn là nhắc lại lời nói của mình. Narcisse bỏ đi, còn nàng Echo đau buồn, mòn mỏi, thân xác một ngày một nhỏ đi, sau chỉ còn lại tiếng vang. Về phần Narcisse, bị bà tiên Nemesis chủ tâm trừng phạt, nên có một hôm anh dừng bước bên một bờ suối, ngó xuống nước, thấy bóng mình anh không ngờ đẹp đến như thế. Say mê, đắm đưối, anh đâm ra tự mình bị quyến rũ bởi chính sắc đẹp của mình, không bước chân đi được, bàn chân anh mọc rễ ngay bên bờ suối, rồi thân hình cứ hao gầy dần đi, sau cùng hóa thành một loài hoa – hoa thuỷ tiên, hay Narcisse.
Các củ thuỷ tiên thường là hàng nhập khẩu từ tỉnh Phúc Kiến bên Trung Quốc. Phải xem người Việt Nam tỉa hoa thuỷ tiên như thế nào mới hiểu rõ họ yêu quý hoa ấy ra sao: có một số nhà chuyên chơi hoa giàu kinh nghiệm đã gọt củ thuỷ tiên thật tài tình. Họ có thể khéo léo và nhẫn nại tỉa gọt thế nào để cho hoa nở đúng vào ngày Tết (hình 4). Thành tựu độc đáo hiếm có này là dấu hiệu báo trước tất cả sự thịnh vượng phú quý trong năm.
________
(1) Theo P.V – Trích “Tập san thương nghiệp thị trường Việt Nam” – Trang 33~34 – NXB Bộ Văn Hóa Thông Tin- Ngày 4.2.1994
3. TẢN MẠN VỚI HOA
Trong vạn vật của vũ trụ, hoa không ăn được như lúa, khoai, không làm nhà được như tre, gỗ, không dệt vải được như bông, vậy mà hoa vẫn là một trong những loài gắn bó khắng khít với con người. Suốt đời người, có sự kiện biến cố nào không có hoa. Ngày sinh nhật ta hàng năm, người ta tốt nghiệp ra trường, ngày ta thành gia thất, và cả đến ngày từ bỏ thế giới này, hoa cũng theo ta về nơi yên nghỉ… Hoa thành kính toả hương trên bàn thờ tổ tiên ngày rằm, mùng một, trước đài liệt sĩ anh hùng. Hoa e ấp, thẹn thùng khi phải nói thay lời cho đôi bạn trẻ. Hoa kiêu hãnh trên cổ người anh hùng thắng trận. Hoa cảm tạ biết ơn từ tay các học trò dâng tặng thầy cô trong ngày 20/11 …
Hoa gần gũi với người nên hoa cũng mang các đức tính của con người. Hoa sen tượng trưng cho người quân tử trung thành “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” (hình 5). Hoa violet khiêm nhường mà chung thuỷ với màu tím thấp thoáng sau những chiếc lá hình tim. Hoa hồng được coi là “Hoàng hậu” của các loài hoa không chỉ vì màu sắc tuyệt vời và hương thơm quyến rũ của nó mà còn là “hoa lòng” của tuổi trẻ. Hoa mai vẫn được ví với người con gái đẹp, nên chẳng ai đưa hoa mai đặt ở bàn thờ, vườn có trồng được cây mai đẹp cũng không cất vào chơi mà phải bán đi mua một cành khác về trưng bày.
Gắn bó với người, hoa cũng theo quy ước của người. Hoa huệ chỉ dùng trong thờ tự, tang lễ chứ không bao giờ trao tặng cho nhau. Người quá cố chưa lập gia đình, vòng hoa tang bao giờ cũng một màu trắng tinh khiết. Không biết hoa phong lan có phải là chiếc khăn quàng của tiên nữ gửi xuống trần gian như trong chuyện cổ của Indonesia hay không mà nó vẫn được coi là “chúa của các loài hoa” chỉ dành cho các nhà quý phái, chơi sang mặc dù số loài lan tự nhiên và lai tạo đã lên tới 100.000 loài.
Mỗi nước có một loài hoa đặc trưng, Bungari vẫn được coi là xứ sở của hoa hồng, Hà Lan có hoa Tulip, Nhật Bản có hoa anh đào… Mỗi địa phương cũng có một loại hoa biểu tượng cho mình. Tây Bắc có hoa ban. Đà Lạt có hoa hồng, Nhật Tân có hoa đào …. Cây đào ở đây không chỉ cho hoa chơi Tết mà còn nói lên cốt cách tinh thần của chủ qua các dáng, thế: long giáng, phụ tử, huynh đệ …
Hoa gắn liền với cái đẹp, bởi vậy người ta dùng hoa làm vật trang trí, đồ trang sức: Hoa cài tóc, hoa tai, hoa cài ve áo … Để con người ở đâu cũng như chiêm ngưỡng hoa, người ta in, thêu hoa trên áo, vẽ hoa trên tranh, khắc hoa trên gỗ, đá, vật dụng nào của con người cũng có hoa: chiếc bát ăn, cái tủ chè, ở từng viên ngói nơi cung điện Huế, trên mỗi vách đá ở nhà thờ lớn Phát Diệm.
Cũng vì hoa đẹp, cho nên cha mẹ thường lấy tên các loại hoa đặt cho con gái. Nào là Cúc, Mai, Lan, Huệ, Đào, Mận. Nào là Quỳnh, Hồng, Sen, Hải Đường, Thuỷ Tiên … cả đến thời “phụ nữ vùng lên” những năm tám mươi, con gái không muốn làm em nữa, nên nhiều cô nhất loạt đổi thành Anh nhưng nhiều người vẫn giữ tên hoa đằng trước: Huệ Anh, Mai Anh, Hồng Anh, Quỳnh Anh, Lan Anh…
Lại cũng bởi hoa đẹp nên những gì đẹp người ta cũng ghép với hoa: “Mặt hoa da phấn” để chỉ người con gái xinh đẹp. “Hoa tay” để chỉ bàn tay khéo léo. Vườn hoa ở thành phố là nơi yên tĩnh, thoáng mát giữa phố phường bụi bặm. Và người là sản phẩm tinh tuý nhất của vũ trụ nên được coi là hoa của đất.
Dĩ nhiên hoa cũng có tính “xấu” như ở người. Dân gian gọi người khoác lác là đồ ba hoa. Chuyện trai gái lăng nhăng là chuyện trăng hoa. Khi mắng nhau người ta nói Mặt như hoa cứt lợn. Nhưng tạo hoá bù cho loài hoa dại có mùi hôi này có một khả năng chữa viêm xoang đặc hiệu. Vậy là vui buồn, ốm đau của người, hoa luôn có mặt.
Đã từ lâu, y học dân tộc biết dùng tâm sen làm thuốc chữa tâm phiền, mất ngủ. Hoa huệ chữa hóc xương, hoa ngâu chữa sốt vàng da, hen suyễn, hoa hồng chữa ho, hoa cúc trị nhức đầu, đau mắt đỏ. Hải Thượng Lãn Ông còn truyền lại kinh nghiệm nói rằng cắt cành đào quay về hướng đông đúng ngày 5 –5 âm lịch gối đầu giường, trí tuệ sẽ thông minh.
Trong các thú chơi thì chơi hoa mang đầy tính nhân văn. Người ta phải trân trọng giữ gìn “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Cao Bá Quát tính khí ngang tàng mà đứng trước hoa mai ông cũng phải cúi mình: Nhất sinh để thủ bái mai hoa. Xưa nay tao nhân mặc khách vẫn hẹn nhau bên ấm trà hay be rượu để chờ quỳnh nở, đợi thuỷ tiên xòe cánh trắng tinh rắc hương thơm dịu đêm giao thừa. Nhìn chậu hoa trên bàn có thể đoán ra tính cách chủ nhân phần nào thì ngắm hàng hoa bên vỉa hè cũng biết được cả thời thế. Hoa lan Thái Lan có mặt ở Hà Nội chứng tỏ Việt Nam đang mở rộng cửa ra thế giới. Nhiều hoa đẹp đấy là thành tựu của khoa học phát triển.
Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Giáo sư, Tiến sĩ sử học)