1. GỌI LÀ ĐỂ MUA VUI HAY THỬ THỜI VẬN
Dưới lớp vỏ thần linh, trong tâm áo khoác mang màu sắc tôn giáo, lễ hội là nơi diễn ra các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong gia đình cũng như trong làng nước. Song bên cạnh những sinh hoạt truyền thống ấy, từng lúc, từng nơi, lại xuất hiện một số mặt có tính cách đen đỏ, may rủi. Có người quanh năm làm ăn vất vả, nhưng trong ba ngày Tết cũng thích thua một vài canh bạc gọi là để khai xuân, xem vận may rủi trong năm. Nhưng chúng ta cũng cần tham khảo qua nhận xét của người phương Tây giữa thế kỷ 17, về ngày vui xuân của dân ta :“Tết là dịp nghỉ ngơi, xem ca hát tuồng kịch, đánh bài bạc, cũng vì thế mà nhiều người sạt nghiệp vì Tết” (1).
_______
(1) M. DURAND – Imagerie populaire Vietnamienne (e. sách đã dẫn) p.48.
Những trò cờ bạc ấy có thể diễn ra trong gia đình, trong thôn xóm hoặc trong làng: đánh tam cúc, tài bàn, tổ tôm, hay đánh bất, xóc dĩa, đánh chắn, bài tới, tứ sắc (phổ biến tại miền Nam)…. Ở thành thị sau này giới ăn chơi hay chơi mạt chược, giới chịu ảnh hưởng văn minh Âu Mỹ thì chơi bài tây (phé, cát-tê, xì-dách, bài cào …) . Có nơi bài bạc kéo dài cả tháng giêng. Ca dao Việt Nam có câu:
“Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè”.
Nam nữ quần lành áo tốt, họp lại sát phạt nhau trong cuộc đỏ đen. Riêng các trò tài bàn, tổ tôm, xóc đĩa, kể cả nghe hát ả đào … hầu như dành cho giới phú hào, quan lại phong kiến. Còn bọn trẻ cũng biết đánh bạc (hình 239) chơi với nhau. Tuy không chính thức cho phép dân đánh bạc nhưng các quan trên vẫn làm ngơ và có khi cũng lại tham gia vài canh để mua vui, thử thời vận, hoặc có khi còn cho tổ chức kín đáo để lấy hồ.
Nhìn chung, nói đến trò cờ bạc dân gian, mỗi miền Việt Nam đều tồn tại các loại hình cờ bạc, song từng miền mà phổ biến trò chơi riêng. Miền Bắc chơi Tổ tôm điếm, Tam Cúc… Miền Trung hay chơi bài chòi. Miền Nam thì lô tô, tứ sắc..
Tuy không mang nặng tính chất sát phạt – chủ yếu chỉ để mua vui hay thử thời vận. Song, cờ bạc không phải là không phát sinh những bi kịch, gia đình ngay sau
khi Tết vừa hết.
2. ĐÁNH ĐÁO ĐĨA
Bức ký họa bên đây cho ta thấy môn chơi được ghi là “tục ngôn đánh đáo đĩa” (hình 240). Môn chơi này ngày trước thu hút cả người lớn. Người ta cắm một cây nứa dưới nước bên bờ sông, bờ ao trên đặt một cái nia, trên nia kê một cái đĩa hơi nghiêng nghiêng. Người đánh đáo đứng xa xa ném đồng tiền vào cái đĩa. Nếu đồng tiền không văng ra ngoài mà nằm lại trên đĩa thì được trúng giải. Giải là một xâu tiền, một bánh pháo treo lủng lẳng bên cạnh cái nia như mời gọi. Một chàng đang trong tư thế tiếp tục ném thêm vài đồng tiền nữa, không biết lần này đồng tiền có “dính” hay lọt xuống cái nia to tướng kia? P. Huard (2) cũng cho ta một bức đánh đáo đĩa nhìn ở góc cạnh khác (hình 240b).
3. ĐÁNH SÚC SẮC
Chúng ta chứng kiến trò “đánh súc sắc” (h.241) với bốn tay chơi – trông như hai người lớn. Một người – người lớn ngồi giữa làm cái. Tay mặt người này cầm cái bát úp quay, quay rồi đậy lên cái đĩa có con lúc lắc bên trong. Trước mặt là sáu cửa: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục. Còn một cửa không ghi dành chỗ cho bát úp. Người ngồi kế bên gọi là “phá hỏa”. Anh này không phải nhà cái, nhưng ngồi để “chung” hay “vùa” tiền. Chỉ tội nghiệp hai cậu bé đầu trọc, Tết được lì xì mấy xu mấy hào mừng tuổi không khéo dốc cả vào đây: đứa cửa nhất, đứa cửa ngũ.
4. TRÒ THÒ LÒ
Chúng ta đang xem một bức ký họa ghi cái “bát úp quay” (hình 242). Đây là cái bát đan bằng nam tre lật úp dùng để chơi trò tôm cá hay thò lò mà miền Nam gọi là bông vụ. Một bức vẽ khác cho ta thấy cái bàn : “ếch cá cua tôm” (hình 243) với bốn cột, mỗi cột một con.
Tuy nhiên, với hai bản vẽ trên ta vẫn chưa hình dung được trò chơi này. Dumoutier (3) minh họa cho thấy rõ hơn (hình 244). Con quay là cái hột bốn mặt, mỗi mặt vẽ một con. Hột có các cốt ở giữa cho nhà cái dùng cái “bát úp quay” đậy lại, chờ con quay ngã ra nằm yên chường mặt nào lên thì trúng mặt ấy.
_______
(3) G. DUMOUTIER – Essais surles Tonkinois – Imprimerie d’Extrême Orient – 1908 – Hanoi– Haiphong – P.55.
Bàn “tôm cá” của G.Dumoutier có con chim khác với con tôm của H.Oger. Bàn chơi có khi sáu con hay tám con, như vậy con thò lò phải sáu mặt hay tám mặt. Nếu tám mặt thì các con vật được chọn là trâu (xanh), voi (trắng), heo (đen), ngựa (hồng), và rùa, ếch, nhái, cá tôm. Trò “bầu cua cá cọp” của miền Nam cũng là cách chơi tương tự nhưng không dùng con thò lò (bông vụ) mà dùng ba hột “xí ngầu” để vơ vét cho đậm kẻ có máu me cờ bạc. Dân gian có câu “thò lò sáu mặt” để ám chỉ hạng người tráo trở, phản trắc. Cũng như trong tuồng hát bội, vai hề từng hát câu :
“Lúc thái bình bất sự nhị quân
Cơn bát loạn đụng ai phò nấy”
5. TỔ TÔM
H. Oger cho ta bức tranh dân gian (hình 245) mô tả cảnh chơi tổ tôm. Bên trái là bốn câu thơ Nôm:
“Thời xuân thong thả tổ tôm chơi
Ai được, ai thua cũng chớ cười
Cao cũng có bài thời may (mới) đặng
Thấp mà gặp nước hóa rangười”.
Bên mặt là cái chòi cao để cặp vợ chồng chủ sòng ngồi chễm chệ. Bà đang nâng cao chén rượu. Ông đang để mắt theo dõi cuộc chơi, nhưng trước mặt ông là tờ giấy nợ. Ai thua, đến ký vào tờ giấy ấy, tại chỗ. Nhưng bà chủ lại lên tiếng “thầy khó”, ý là khó cho mượn.
Người ngồi xếp bằng trên cùng, tay vừa xòe bài, miệng vừa bảo “thông chăng?”. Người bên mặt, trong tay cũng xòe những con bài đen lại nó “ăn chưa”. Người ngồi dưới cùng hàng bên mặt, hơi ngả người, có vẻ đang chờ một con bài mà chờ hoài “chẳng ra”, trong lúc người ngồi đối diện hàng bên kia đang thò tay bóc con bài nọc. Riêng người cuối cùng thì bình thản bên cái điếu thuốc lào song vẫn theo dõi “con chi”.
Tổ tôm có ba hàng là hàng văn, hàng vạn, hàng sách. Mỗi hàng có chín con từ nhất đến cửu. Hàng nhất gọi là yêu đen, lại thêm ba hàng yêu đỏ nữa là chi chi, thang thang và ông cụ. Mỗi thứ bốn con, tất cả gồm 120 con bài (4).
________
(4) Bức ảnh “Một cuộc đánh tổ tôm điếm” của G. DUMOUTIER trong “Essai sur les Tonlinois” (tr.58) mà PIERRE HUARD và MAURICE DURAND trong “Connaissance du Vietnam” (tr.245) cũng trích in – cho ta hình dung cảnh chơi này (h.246).
Cỗ bài được chia làm sáu phần, năm người chơi bài lấy mỗi người một phần, còn một phần để bóc nọc. Riêng phần nhà cái được lấy hơn một con và phát ra trước để căn cứ vào đó mà “dẫn nước”. Nếu chơi mà ăn từ nhất đến cửu gọi là “ăn dọc”. Nếu ăn hàng tam vào hàng tam, ngũ vào hàng ngũ… thì gọi là “ăn ngang”. Trong bài, nếu có hai con giống nhau thì gọi là “phỗng”, ba con gọi là “khàn”, bốn con gọi là “thiên khai”. Bài phu nào vào phu ấy, gọi là thập thành, thì bốc quân yêu, hoặc có ai đánh quân nào vào phu cũng ù được. Nếu bài thiếu con gì thì chờ con ấy ra mới được ù. Ù kiểu này gọi là “ù suông”.
Ù có tam vạn, tam sách, thất văn thì gọi là “có tôm?”. Có cửu vạn, chi chi gọi là “có lèo”. Bài có mười con đỏ gọi là “thập hồng”, bài đen gọi là “bạch định” chờ chi chi ù gọi là ù “chi nảy”. Ù các thứ ấy tiền ăn gấp 1, 2, 3 hay 4 lần ù suông. Riêng tài bàn phải đủ 9 lưng trở lên mới được ù.
Chơi tổ tôm nước ăn, nước bốc cũng lắm nước cao. Có lúc bốc phải những con “bài kiệt” thì sướng như điên, nên có câu: ”Thiên tử bất như tứ vạn”.
Nguyễn Mạnh Hùng (PGS.TS Sử học)