(Trích trong luận án tiến sĩ sử học: Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thông qua công trình “Technique du Peuple Annamite” (Kỹ thuật của người
An Nam) của Henri- Oger, Hà Nội 1908-1909)
1. CON LÂN
Mẹ Khổng Tử là Nham Trưng mơ thấy bắt được con lân, bèn lấy giải thắt lưng buộc vào sừng nó, sau sinh ra Khổng Nhâm (Khổng Tử). H. Oger có cho thấy chiếc đầu lân có sừng buộc mảnh vải và theo huyền thoại phải là mảnh vải màu đỏ. Nhưng bản vẽ lại ghi ba chữ Nôm: “đầu sư tử” (hình 1).
Sư tử vốn là con vật có thực ở vùng nhiệt đới. Con lân hay Kỳ lân lại là con vật thần thoại, đứng hàng thứ hai trong tứ linh: Long, Lân, Quy, Phượng. Những con vật này được xem là vật báo điềm lành: Rồng (Long) – báo việc mưa thuận, gió hoà. Lân – cho biết cảnh thiên hạ thái bình.
Sự khác biệt về sư tử và lân đã rõ, nhưng chúng ta chưa nghe các nhà nghiên cứu giải thích, chỉ biết ở Miền Bắc gọi là múa sư tử còn trong Nam gọi là “múa lân”. Cách múa này ra đời rất sớm – từ lúc người nguyên thuỷ có tục thờ cúng tổ (tô tem) – và tồn tại đến nay – như một tục lệ ngày Tết. Tết mà không pháo, không lân vẫn chưa phải Tết.
Ở Miền Nam, lân có nhiều loại: lân râu bạc, râu đơn, hay râu ngũ sắc. Nhìn vào chòm râu trên là có thể đánh giá được tầm cỡ của “đám múa lân” khi đi diễn khắp phố phường với trống chiêng, não bạt inh ỏi trong tiếng pháo ngày Tết ! Năm mươi năm trước, những tay anh chị ở đất Sài Gòn thường có mặt trong đám múa lân đó. Họ là những người thuộc nhiều môn phái võ thuật khác nhau. Vì tranh giành ảnh hưởng, họ có thể xô xát để chứng tỏ sức mạnh. Lịch sử còn để lại một cuộc đổ máu giữa hai đám lân: Cầu Muối và Cầu Kho.
2. MÚA LÂN
Theo mô tả của nhà viết văn Hà Nội thì Lân Hà Nội (không gọi là sư tử) có đủ thứ râu, gù tinh tinh sặc sỡ và đặc biệt là cặp long nhãn to, sáng rực đầy uy lực. Còn thân làm bằng vải màu, có vẩy tua tủa trùm kín người đôi, nhìn rất vui mắt (1).
Động tác múa lân tại Hà Nội cũng không khác Sài Gòn, một người vác đầu, một người cầm đuôi. Đầu đuôi đều múa theo nhịp trống chiêng và theo bài bản của võ cổ truyền Việt Nam, đặc biệt có những pha biểu diễn nhào lộn tung người trên không, biểu diễn song đấu hoặc vận dụng nội công. Nếu không có những động tác võ thuật nói trên, đội lân cũng chỉ là một loại đội múa của tuồng.
___________
(1) Theo TRẦN TRỌNG TRUNG – Múa lân một phong tục đặc sắc – Toàn cảnh-sự kiện – dư luận số 74, tháng 9/1996, tr. 47.
Theo cách xưng hô của đám trẻ “anh Lân, bác Địa” đã gây nên một cảm giác như cả hai nhân vật này đều là người cùng làng, cùng xóm. Khác với cách xưng hô của Miền Nam – lúc nào cũng là ông – Ông Lân ông Địa – toàn những nhân vật tưởng tượng đến từ vùng đất thiêng liêng nào đó trong cõi trời đất. Ông Địa Hà Nội cũng bụng to, cầm quạt lá, mang mặt nạ, miệng cười tươi rộng toét để lộ hai hàm răng to đều. Ông Địa là người luôn khống chế được Lân. Nhưng theo bài bản sắp xếp Lân phải diễn biến tâm lý qua nhiều thái độ – Khi thì bướng bỉnh – Khi thì nghịch ngợm khó bảo – nhưng cuối cùng phải chịu ngoan ngoãn. Cách diễn xuất nói trên, theo người Hà Nội đều dựa vào kịch bản của truyền thuyết:
Xưa kia, lân sống ở biển và chỉ xuất hiện trên đất liền mỗi năm một lần để bắt người và thú vật làm thịt, gieo rắc kinh hoàng khắp nơi. Đã bao phen loài người tìm cách tiêu diệt nó nhưng đều thất bại. Song một ngày kia thổ địa xuất hiện tay cầm linh chi thảo tìm cách thuần hoá bằng cách dạy lân biết ăn cỏ, lạ thay! Khi ăn xong lân thuần tính và quy phục thổ địa. Từ đó lân trở thành linh vật. Về sau, cứ hàng năm vào dịp Tết lân lại xuất hiện và đem lại tài lộc cho mọi người.
Khác với cách hình thành một đội Lân ở miền Nam – như ta đã có dịp tìm hiểu qua – ở miền Bắc một lực lượng khoảng từ mười lăm hai chục người và mỗi người một việc – từ người quản trò đến các việc chuyên môn của người lo trống, phèng la. Riêng cái đầu Lân nặng nề cũng phải có một đội khoảng 10 người thay nhau múa. Còn cái đuôi nhẹ hơn cũng phải 5 người. Thường trò diễn kéo dài khoảng 30 phút như bài “Sư tử hí cầu” thì sự thay phiên nhau cũng phải một chục lần. Kèm theo sau kịch bản múa của Lân là những trò đi quyền, roi, kiếm côn rồi song đao hay giao đấu bằng võ tay có nhào lộn…
Trong 4 vật linh (tứ linh): Long, Lân, Quy, Phượng chỉ có Quy là không thấy múa, còn thì ngoài Lân (múa Lân) ra Long (múa rồng) và Phượng (múa phượng hoàng) đều có thể xuất hiện cùng trong dịp Tết. Theo ý kiến của nhà chuyên môn tổ chức múa Lân, Sư, Rồng tại Sài Gòn thì các vật linh này đều phát nguyên từ Trung Quốc. Đầu tiên là múa Sư tử, kế là Lân rồi Rồng (2). Sư tử có 2 loại: Bắc sư và Nam sư.
Lân đầu tròn, lớn gồm 2 loại: Loại có sừng và loại không sừng. Lân không sừng hình thù giống hổ – biểu tượng của tháng Giêng – tức tháng Dần. Sau gáy của Lân loại này có miếng vải đỏ viết một chữ Vương (chữ Hán) lớn nằm trong vòng đen. Lân còn có loại đặc biệt nửa giống Lân nửa giống Rồng. Sư được chế tạo khác Lân – nghĩa là phải nguyên con với bản tính của mèo : thích được vuốt ve, đùa nghịch và ngủ. Rồng có 3 loại: rồng tơ, rồng tròn và rồng cứng. Tuy nhiên các dị hình nói trên còn dùng vào từng khu vực trong Đông Nam Á và tuỳ từng nước rồi tuỳ cả địa phương. Vì thế tại Việt Nam, các vật linh nói trên được cấu tạo và phát triển không đồng bộ. Miền Bắc không thịnh múa lân như Miền Nam trong khi nơi này không chú ý đến Sư tử. Chỉ có Rồng thì tương đối phổ biến cả 3 loại hình rồng như trên.
________
(2) HOÀNG QUÂN – Múa Lân, Sư, Rồng ngày tết – Thế giới trẻ – Tháng 1.1995, tr.71~73.
Kỹ thuật làm Lân, công phu nhất ở phần đầu còn phần đuôi chỉ là mảnh vải thêu khéo và phân bố màu sắc tuỳ từng loại. Các nhà kỹ thuật phân biệt Lân với 3 bộ mặt tượng trưng 3 anh em kết nghĩa tại vườn Đào trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Mặt vàng là Lưu Bị, mặt đỏ là Quan Vũ còn mặt đen là Trương Phi.
Lân nếu chỉ múa một mình thì gọi là “độc chiến ngao đầu” với tài tiến thoái nhịp nhàng, tả xung hữu đột nhảy cao, trèo giỏi với bộ pháp hùng dũng. Lân có khi – tuy độc diễn – song có khi cũng múa với Rồng theo kịch bản “Long Lân tương hội” chờn vờn nhau cũng khá vui mắt.
Nếu 2 Lân cùng ra vờn nhau thì gọi là “Song lữ” dáng tâm đầu ý hợp như Loan với Phượng như vợ với chồng, như trời đất, âm dương.
Nếu phải múa 3 Lân thì gọi là “Tam tinh” – để cầu 3 điều lành, chúc 3 điều tốt cho con người – gọi là Phúc, Lộc, Thọ. Đầu của 3 ông Lân phải mang 3 màu sắc vàng, đỏ, đen.
Chưa dừng lại tại đây, các nghệ sĩ dân gian còn cho ra đời một lúc 4 Lân với các màu khác nhau. Ngoài 3 màu nói trên còn có màu trắng. Bốn Lân này gọi là “Tứ quý hưng long” biểu thị sự sung mãn, trường thọ, hạnh phúc và đầy sức khoẻ.
Tuy nhiên mọi cuộc múa Lân đều phải có mặt ông Địa – hiện thân của Đức Di Lăc. Ông Địa là người duy nhất thu phục được Lân từ dữ thành hiền, từ ác đến thiện. Thay vì giáng hoạ, Lân đã giáng phúc cho thế nhân. Theo cái nhìn thẩm mỹ của nghệ nhân vô danh, ông Địa luôn mở rộng mồm để tạo nét vui cười. Mặc chiếc áo dài xúng xính, phe phẩy cái quạt to. Chiếc quạt có tác dụng ru ngủ hay đánh thức dễ dẫn dắt Lân đi ban phúc.
Tất cả cảnh tượng diễn ra giữa Lân và ông Địa chỉ mới là lớp vỏ hình ảnh của ngôn ngữ sân khấu dân gian vì còn phải có âm thanh. Âm thanh đi theo các điệu múa song đôi này là tiếng trống – Loại trống gọi tên là Thất tinh cổ (trống bảy sao). Người đánh trống buộc phải là trưởng phái hay ít nhất cũng là vị phụ tá thứ nhất không chỉ để điều khiển cuộc chiến thuần hoá Lân từ ban đầu mà còn dẫn dụ sai khiến về sau. Do đó âm thanh “cắc bùm” tạo ra có lúc khoan nhặt, lúc dồn dập như mai phục hay thúc quân ra trận hay có lúc luồn lách như ngọn roi của người điều khiển thú dữ trong gánh xiếc buộc Lân phải chào, phải lạy phải nằm, phải leo, phải trèo. Nhất nhất ngọn roi đó phải uốn nắn sao cho phù hợp với bộ pháp của Lân.
Tất cả nghệ thuật trình bày trên một sàn diễn được quy ước trước tại khu vực khá rộng mà khán giả là phần lớn đang rong ruổi cuộc đời đau khổ, phù du đã dừng chân lại, tự động quây quần như tạo vòng vây trợ lực cho ông Địa. Tất cả cái triết lý phương Đông cơ sở ấy vẫn đang tồn tại trong thế giới vật chất sang đoạt, chiếm hữu, gieo rắc những hung bạo, bất công nhưng rồi phải được trùm phủ lên những điều tốt lành, phúc đức.
Múa Lân hay Sư tử (hình 2) chỉ cần 2 người. Song 2 người đảm trách, Lân – gồm đầu và đuôi – được dễ dàng thay thế bất kỳ lúc nào, người nào mà không ảnh hưởng đến điệu múa. Trong khi đó đối với Sư tử, hai người múa phải lồng vào bộ võ của Sư tử – trông như bộ giáp – muốn thay người, điệu múa phải dừng lại để rút chân tay ra. Như vậy cuộc vui sẽ bị gián đoạn thiếu linh động.

Hình 2: Múa Lân hay Sư tử
Đối với Rồng, đội múa phải cần ít nhất 6 người – có khi phải 20 người nếu là rồng dài. Múa rồng phức tạp hơn 2 loại trên phải nhịp nhàng và thanh thoát để biểu diễn rồng bay hay phô bày thần oai. Để được vậy, bộ pháp của đội múa phải di chuyển đồng bộ cho đầu đuôi tương hợp. Chẳng khác nào một điệu luân vũ của Phương tây. Trong khi múa Lân – tuy cũng phải đi đúng bài bản khuôn phép – song 2 võ sĩ có khi hưng phấn, tạo ra nhiều bộ chân quyền trông ngoạn mục lý thú. Do đó múa Lân hấp dẫn và cần thiết hơn cả – nhất là lại có mặt ông Địa. Hơn nữa múa Lân có
pha diễn thêm các trò biểu diễn võ thuật bằng các loại vũ khí đủ cả “thập bát ban võ nghệ” như côn, đao, kiếm, mã tấu, trường thương, đoản thương – có khi chỉ là những bài quyền – như hầu quyền – nhái theo cử chỉ của loài khỉ – trông đơn giản nhưng không kém phần hầp dẫn.
Nhìn chung, vào những dịp lễ hội sự xuất hiện của Lân, Sư, Rồng để làm cho đời sống tinh thần dân tộc thêm phong phú và làm nẩy nở trong lòng người một niềm tin vô hình che lấp trong giây lát những nỗi đau đớn của cuộc đời.
Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Giáo sư, Tiến sĩ sử học)