Ngày xưa chơi diều là một trò chơi được tổ chức thành cuộc thi tài hẵn hòi. Các tay chơi trúng giải hạng nhất sẽ được nhận một giải thưởng xứng đáng. Bằng chứng được ghi trong câu phương ngôn sau đây:
Cầm dây cho chắc
Lúc lắc cho đều
Để bố đâm riều (*)
Kiếm gạo con ăn.
—————
(*) Đâm riều: thả diều bay bổng lên trời cao.
Thời đại ngày nay, tại làng Võ Dương (tục gọi làng Tri, tỉnh Bắc Ninh) người ta có tổ chức hàng năm, vào đầu mùa hè một cuộc thi diều. Có nhiều tay chơi chuyên về trò chơi nay đến tham dự.
—————
(1) Theo NGÔ QUÝ SƠN – Tạp chí “Indochine” số 142 ngày 20/5/1943 – Trang 13-16.
Đối với người Việt Nam, diều không có cùng một hình dáng như các nơi thường gặp. Diều biểu diễn đủ mọi chủ đề mà chủ yếu là các vì tinh tú và các loài động vật. Không cần biết hình dáng của diều ra sao, diều luôn gồm một bộ xương bằng tre được phủ giấy bản. Một sợi dây nhỏ gọi là “lèo” được cột thành chữ Y vào giữa thân diều – Diều do các tay sành chơi tự làm lấy và không ai mang diều đi bán.
Làm món đồ chơi này phải là tay thiện nghệ, khéo léo trong việc tạo tác, cũng như thuật thả diều. Sợi dây dùng cho diều cất cánh được làm bằng một tấm cót mỏng chuốt từ cây giang (Dendrocalamus patelaris). Dây này có thể được thay thế bằng dây chỉ vải hay dây tơ.
Trong các con diều to, sự chế tạo dây diều và sườn diều đòi hỏi ở tay chơi một sự chăm sóc tỉ mỉ nhiều ngày và thật cẩn thận. Dù diều rất khác nhau về độ to, nhỏ và âm thanh, người ta vẫn phân biệt được diều qua hai loại: diều có đuôi và diều không đuôi.
I. DIỀU KHÔNG ĐUÔI
a) DIỀU VẰNG
Diều vằng (hình1 và 2) còn gọi đơn giản là con diều. Hình dáng của nó có hình thuẩn kéo dài ra ở 2 cánh.Ta có thể gặp nhiều con diều vằng có kích thước rất to: 3m chiều dài và 1m chiều rộng. Diều này dĩ nhiên chỉ có thể cất lên cao nhờ sức lực của những thanh niên thật khỏe.
b) DIỀU CÁNH CỐC
Diều cánh cốc (hình 3) được làm bằng 2 thanh tre dài uốn hình số 8 cắt vào nhau tại điểm giữa thanh, và một hệ thống tre ngang thẳng góc, nối kết hệ thống trên. Còn một loạt thanh thẳng đứng nữa gồm có một hình thuẩn ở phần dưới và một hình vuông vức ở dưới lườn diều.
c) DIỀU CON CÁ
Diều này có hình hai con cá dán sát vào nhau ở dưới lườn (hình 4). Người ta phất giấy vào cả hai con cá rồi vẽ lên giấynhững hình vẽ bằng màu, để tạo cho món đồ chơi có hình ảnh của hai con cá đang tựa vào nhau.
d) DIỀU CON BƯỚM (hình 5)
Ở trên đầu bướm, người ta gắn hai tấm tre mỏng uốn cong. Đó là vòi bướm và râu bướm.
e) DIỀU CON QUẠ (hình 6)
Diều con quạ được làm cũng gần giống như hình diều con bướm. Chỉ khác ở chỗ, diều quạ không có mắt, không có chân, không có vòi. Thân diều có dạng gần giống như một hình tam giác hơi dài.
f) DIỀU CHỮ THẬP (hình 7)
Loại diều này đơn giản nhất. Nó được các trẻ con nhỏ chưa tới 10 tuổi thả chơi. Sườn diều chỉ có hai thanh tre cột thành hình chữ Thập. Thanh đứng hơi dài hơn thanh ngang.
g) DIỀU CÁI GỐI
Loại diều này giống hình loại diều ở Âu châu (*). Diều có hình dạng một khối lăng trụ đáy tứ giác (hình 8). Hai mặt vuông được nối với nhau bằng bốn thanh tre nhỏ tạo thành bộ xương diều. Hai đầu hình khối có phủ giấy. Phần còn lại để trống, không có thanh sống lưng, không có đuôi. Diều cái gối được sử dụng ở làng mạc vùng Nam Định.
———–
(*) Tôi cảm ơn ông PAUL LÉVY Trưởng sở Khảo cổ học của Trường Viễn Đông Bác Cổ đã có hảo ý cho tôi biết sự giống nhau này.
II. DIỀU CÓ ĐUÔI
a) DIỀU CÁNH PHẢN
Diều này có hình một tứ giác chữ nhật hơi cong lên ở hai đầu (hình 9). Xương diều thật đơn giản. Người ta cột dây ở phần dưới bụng diều cũng như tất cả các loại diều khác, sau cùng là một cái đuôi làm bằng các băng giấy dán trên một đoạn tre.
b) DIỀU MẶT TRĂNG
Diều có hình tròn gồm có một thanh tre thẳng đứng gắn ngang một vòng tròn bằng tre. Sau thân diều có một cái đuôi dài (hình 10).
c) DIỀU CON RÍT
Diều này rất to (hình 11) thấy chơi ở các vùng lân cận thành phố Nam Định, trên bờ sông Vị Hoàng. Có người nói, nó là một phát minh của người Hoa và sở dĩ có tên gọi của nó là do khi tung bay trên nền trời, nó trông giống như một con rít khổng lồ.
Trên một đoạn tre dài 1m, người ta cột vào năm vòng tròn tre có cở lớn nhỏ khác nhau. Vòng tròn to nhất ở giữa là mũi con rít. Hai vòng tròn nhỏ hơn ở hai bên “mũi” là đôi mắt của rít. Hai vòng tròn khác, nhỏ hơn nữa, bên ngoài hai mắt, là đôi tai của rít. Ở phía dươí mũi người ta cột một vòng cung tre để gợi hình ảnh môi trên của rít và ở dưới đôi mắt có gắn một cung khác to hơn. Ấy là môi dưới của rít.
Phía sau mũi rít được cột thêm một loạt nhiều vòng tròn khác. Số lượng vòng này thay đổi từ 50 đến 60 vòng trên một chiều dài có khi lên tới 50m. Các vòng tròn này cũng có cùng hình dáng như chiếc mũi của rít được nối với nhau bằng 3 sợi dây cước dài. Ở vòng cuối cùng có cột thêm hai dãi băng giấy hoặc bằng lụa nhẹ tạo thành 2 chia của đuôi con rít. Tất cả các mặt hình tròn đều có phủ giấy dầy có tẩm keo (nhựa cây) Kaki, hoặc phủ bằng lụa tơ sống. Điều đáng ghi nhận là con diều này khác với tất cả các loại diều khác đã trình bày ở phía trên. Không những chỉ vì nó là con diều to nhất mà còn là con diều phức tạp hơn hết để mang vác điều khiển nó, mà cũng do cách chế tạo ra nó. Hơn nữa, nó còn phức tạp ở phần đuôi. Thật vậy, khi con diều rít được phóng lên không trung thì cái đuôi thay vì xụ xuống lại cất lên cao hơn đầu.
Nguyễn Mạnh Hùng (PGS.TS Sử học)