1. ĐÓI ĂN RAU, ĐAU UỐNG THUỐC
Những vị thuốc thảo mộc ở Việt Nam đã dễ kiếm lại rẻ tiền, đôi khi công hiệu như thần dược, nếu dùng đúng chỗ. Do vậy dân gian có câu: “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lấy tiền”. Bức ảnh bên đây (hình 1) cho ta thấy một người Mán bán thuốc. Anh ta mặc quần áo nhuộm màu chàm, mang cái túi, gánh hai cái sọt, bên trong đựng cành, lá, củ rễ, thảo mộc hái trên rừng, đi bán rong đến đường phố Hà Nội. Để giới thiệu với khách hàng, anh ta chỉ cần rao “Thô… ốc… ê” mà người ta quen gọi là bán “thốc ê”. Phong thấp, nhức mỏi, đau tức, đầy hơi, nhức đầu, đau bụng chỉ cần một ít lá khô ấy là khỏi. Và đây là một khách hàng của anh chàng “xạ phang” ấy đi mua các cây thuốc cho vào rổ treo lên (hình 2). Bản vẽ này có ghi “treo rổ lá” H.Oger cũng gọi là: “Pharmacie des herbes” (nhà thuốc cây cỏ). Đúng là hình ảnh treo rổ lá trước cửa trên đây chính là hình ảnh tích trữ các lá thuốc để phòng trị bệnh vào ngày mồng năm tháng năm.

Hình 2: Treo rổ lá
2. NGÀY LỄ CHUYỂN MÙA
Ngày mồng năm tháng năm là ngày Tết Đoan ngọ (1). Ngày lễ chuyển mùa hay còn gọi là Tết Đoan dương (Theo Phong thổ ký) để làm lễ chuyển mùa, chuyển tiết.
“Chưa ăn bánh nếp Đoan dương
Áo bông chẳng dám khinh thường cởi ra”
Hay:
“Tháng tư đong đậu nấu chè Ăn Tết
Đoan ngọ trở về tháng năm”.
Thật ra đến đầu tháng năm thì mới hết xuân sang hạ, bệnh thời khi cơ thể hoành hành. Ăn Tết này chẳng khác nào đề phòng trị bệnh. Cho nên từ sáng sớm – khi trẻ còn ngủ hay đã thức dậy – người mẹ bôi hồng hoàng vào hóp thở, vào ngực, vào rốn để trừ trùng (hình 3).
————
(1) Đoan là gốc, đầu mối, mối mở đầu. Ngọ là giờ ngọ, giờ trưa (từ 11 đến 13
giờ). Dương là mặt trời, khi dương. Đoan ngọ là lúc mở đầu vào giữa trưa.
Tháng năm là tháng nắng chói chang, khi dương thịnh nên gọi là Đoan dương
hay Đoan ngọc. Người Tàu còn gọi Tết này là Tết trùng ngũ (hai con 5) hay
Đoan ngũ. Theo Tuệ thời tạp ký xưa kia gọi 1 tháng 5 là Đoan nhất, 2 tháng 5
là Đoan nhị, 3 tháng 5 là Đoan tam, 4 tháng 5 là Đoan tứ, 5 tháng 5 là Đoan
ngũ.
Ngoài ra, mẹ lại còn cho trẻ đeo chỉ ngũ sắc và một cục hồng hoàng để trừ rắn rết với những túi nhỏ tết bằng thứ lụa màu sắc sặc sỡ hình quả đào, quả khế, quả ớt, quả na hay quả hồng … Người ta tin loại chỉ ngũ sắc này kỵ tà ma nên có người dùng nó se lại thành sợi dây, gọi là niệt, để các bà mẹ thỉnh về đeo cho con. Ảnh bên, thằng bé hơi khom lưng cho mẹ đeo niệt bằng chỉ ngũ sắc. Đó là một túm bùa túi, bùa túi lùm xùm trước cổ như đã mô tả để trừ ma cho đứa bé được bình yên (hình 4). Bức ký hoạ này được chú thích bằng chữ Hán “Đoan dương tiết, bội trường mệnh lũ” (hình 5) (Tết mồng năm đeo niệt cho con).
Không những thế ba mẹ lại còn đi hái “lá nhuộm móng tay” đem về đâm nhỏ rồi thoa lên móng tay, móng chân cho con từ đêm hôm trước. Nhưng các bà đã nhớ chừa ngón trỏ (tay và chân) không thoa vì cho là “thần chỉ” rồi lấy lá vông bọc lại. Sáng mồng năm mở ra thì móng tay, móng chân đều được nhuộm đỏ như son. Cách này gọi là Tết Đoan dương đeo lá móng cho con (hình 6).

Hình 6: Tết Đoan Dương đeo lá móng tay cho con
Lá nhuộm móng tay là một loại lá nhỏ, hơi dài thuộc một loại mộc mọc ở bụi bờ. Mặt khác, các bà mẹ lại tin tưởng móng tay con cái được nhuộm sẽ tránh được sâu bọ quấy rầy trong bụng. Trong chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có nói đến lá nhuộm móng tay này: “Dương thị diệp là lá móng tay Quý phi yêu đãi ngày ngày nhuộm chơi”. Ngay từ sáng sớm mỗi nhà đều dọn sẵn trên mâm một đĩa trái cây và một cái chén đựng cơm rượu (rượu nếp). Trái cây thường là đào mận … loại quả chua chát hay là bánh giun để ăn diệt trừ sâu bọ. Người ta tin rằng sâu bọ ở dưới bụng ngoi lên, khi gặp rượu nếp chúng sẽ say, rồi lại gặp trái chua chúng sẽ chết. Cơm rượu nếp làm bằng xôi. Xôi được thổi rồi rắc lên ít men, ủ ba bốn ngày sẽ thành cơm rượu. Người ta đặt thúng xôi ủ lên cái chậu để hứng nước. Thật ra đây là rượu, một loại rượu nhẹ, gây cảm giác say say nhẹ nhàng, dễ chịu. Phần còn lại là cái, màu ngà. Khi ăn, ăn cả cái lẫn nước. Ăn xong, có thể ăn thêm một bát thạch, một ít trái cây như mận, muỗm, sấu, roi, đào … vào ngày nay người ta thường thấy xuất hiện những gánh cơm rượu đi vào thôn xóm từ mồng ba, mồng bốn. Trên gánh lại treo lủng lẳng một ít lá cây và một ít chùm ớt gọi là để trừ trùng. Ngày nay, thỉnh thoảng người ta còn thấy một vài bà bán trái cây rong (xoài, cóc, thơm …) ngoài đường phố còn giữ chùm ớt như vệ sinh cho gánh hàng rong của mình. Giới Tây học, vào dịp trên, rủ nhau khai rượu Tây (Martel, Cognac …) để giết sâu bọ thay rượu nếp. Trong những ngày tết mồng năm này, nhiều làng còn có tục ăn trứng luộc, ăn kê lẫn với đường cát và bánh đa có nơi hay ăn bánh ú bánh tro với đường cát (Bánh ú làm bằng nếp ngâm với nước tro và gói bằng loại lá tre tàu). Người lớn, kể cả các bà, uống tí rượu hoà thần đan hay hồng hoàng cũng là cách để diệt sâu bọ. Rồi nhà nhà lại làm cỗ cúng gia tiên, thường thì cúng dưa hấu (vì được mùa) và đường cát. Đến giờ ngọ (từ 11 đến 13 giờ), giờ mà khí nóng cao độ, nhựa lên lá cây, người ta đi hái lá, gọi là hái lá mồng năm (2) .
———–
(2) Tục lệ hái lá bắt nguồn từ câu chuyện thần tiên. Hồi ấy, Lưu Thần và Nguyễn Triệu người đất Diện khoảng năm Vĩnh Binh (Đời Đông Hán) vào núi Thiên Thai, tỉnh Chiết Giang để hái thuốc ngày Đoan ngọ. Họ đã lạc lối mười ba ngày mà chẳng thấy đường về, vì đói khát nên phải ăn đào cho đỡ đói. Hai người chợt thấy rau tươi cùng chén cơm vừng từ trên giòng suối trôi xuống, bàn rằng trên ấy có người ở, trông chừng không xa. Họ theo giòng suối vượt qua một quả núi, bỗng gặp hai người con gái rất xinh đẹp. Hai nàng tiên ấy đã gọi tên Lưu Nguyễn hỏi sao hai chàng đến muộn thế rồi cùng nhau mở tiệc ăn mừng. Được nửa năm, Lưu Nguyễn nhớ nhà đòi về cõi trần. Cầm lại thế nào cũng không, hai nàng đành phải tiễn hai ông chồng trần tục trở về. Đến nhà thì con cháu nhận không ra, bảo là ông tổ bảy đời có vào Thiên Thai hái thuốc rồi mất tích. Không nơi nương tựa, hai chàng muốn trở lại cõi tiên thì không lần ra được lối. Năm Thái Khang thứ 8, hai người đi đâu biệt vô âm tín.
Cụ Tản Đà, nhà thơ Việt Nam có viết:

Hình 7: Khảo cây bói quả
“Trời đất từ đây cách xa mãi.
Cử động,
Đầu non,
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.”
Hồng Đức quốc âm thi tập cũng có những bài nói đến truyện Lưu Nguyễn này:
“Khách hỡi, chào ai kiếp nỡ từ
Xui người bát ngát phải nên đưa
Dùng dằng động ngọc vừa khi sớm
Dìu dặt làng hoa nhẫn khắc trưa.
Đường khách, dặm ngàn chàng hãy lại
Chăn loan nửa bức, thiếp còn chờ.
Non xanh, nước biếc khi lành mạnh,
Cũng chớ cho hay chút tình xưa.”
(Tiên nữ tống Lưu Nguyễn)
Người ta hái bất cứ lá gì, nhưng thường là lá sả, lá ngải cứu, lá dong, lá muỗm, lá ích mẫu, lá cối xay, lá đinh văng … đem về ủ rồi phơi khô. Sau nấu nước làm thuốc uống trị bệnh đơn rất hiệu nghiệm. Còn lá ngải cứu trị bệnh đau bụng cũng rất kiến hiệu. Hình ảnh về các loại lá thuốc này được ghi lại trong bức “treo rổ lá” mà ta đã xem qua hình 2.
Cũng trong ngày này, người ta lại bày ra nghi thức ma thuật “khảo cây bói quả” Tục “khảo cây” để “trổ quả” (hình 7) được tiến hành như sau: một người ngồi dưới cây tay cầm cái vồ vừa đập mạnh vào cây ba cái, vừa hỏi:”Đã chịu trổ quả chưa?”. Một người khác trả lời: “Chịu !” Cách này để trị những cây lâu năm mà không ra quả (*).
——————-
(*) “Khảo cây để mọc quả”.
Lại còn một tục nữa! Người ta lấy lá sả, lá ngải cứu kết thành hình con vật, năm nào kết hình con ấy. Năm 1908 là năm Mậu Thân thì kết hình con khỉ gọi là Hầu tử (hình 8). Bức tranh được ghi chú bằng chữ Hán: “Thời Chí Đoan dương nhân đa dĩ nghệ thái hết vi thử hình kế kỳ hà niên kết thành thử vật danhvị hầu tử” (ĐếnTết Đoan dương 5 tháng 5 người ta dùng lá nghệ kết là hình này. Năm nào thì hình ấy: kết thành con vật tên gọi là khỉ). Kết xong treo giữa cửa để trừ sự bất tường. Sau ai đau bụng thì ngắt ra làm thuốc. Ở nông thôn có nơi kết hình rồng thay hình hổ.
Ngoài các tục lệ nêu trên, ta còn thấy tục tắm nước lá mùi, một vị thuốc nam. Cây mùi là loại cây lá nhỏ lăn tăn. Cả hạt và lá đều có mùi thơm nhẹ., dễ chịu. Loại lá này tránh được gió máy, cảm mạo mà mỗi nhà cứ vào lúc chuyển mùa này là lấy ra nấu một nồi để tắm.
Tục ăn Tết Đoan dương có lẽ xuất phát từ chỗ cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới rồi về sau được các cụ Nho học mình giải bằng sự tích Khuất Nguyên đời Xuân Thu cho có ý nghĩa. Khuất Nguyên đã tuẫn tiết vì trung nghĩa ở sông Mịch La (3).
________
(3) Khuất họ Tam Lư làm quan nước Sở, triều vua Hoài Vương (307-246 TCN). Ông là người có tài đức, nhưng luôn bị nịnh thần dèm pha nên Hoài Vương không tin dùng về sau lại bị truất bỏ, dù có lần ông can ngăn Sở Hoài Vương không nên sang Tần, nhưng Hoài Vương không nghe nên đã chết tại đất Tần. Ông đã làm bài thơ Ly tao lưu danh hậu thế để tả nỗi oán thán. Sau, Tương Vương kế nghiệp cha lại bắt ông đi đày. Lúc này ông làm bài thơ Hoài Sa rồi buộc đá vào mình nhảy xuống sông Mịch La tự vận. Hôm đó đúng vào ngày 5 tháng 5. Nghe tin đó nhà vua hối hận và thương tiếc bèn truyền lệnh cho dân làm cỗ xe đem ra bờ sông mà cúng, rồi ném cả xuống sông cho ông hưởng. Song các thứ đã bị cá tôm ăn hết, ông bèn báo mộng cho vua và xin lấy lá bọc các thứ lại bằng chỉ ngũ sắc cho cá tôm khỏi ăn. Theo lời ông, nhà vua làm theo để kỷ niệm ngày ông mất.
Tết Đoan Ngọ đối với người Việt Nam rất được coi trọng, các cụ thường nói “Tết mồng năm, rằm tháng bảy”. Đây là một lễ lớn ngày hạ chí – một nghi lễ vào mùa hè. Lúc ấy thời tiết xấu nhất trong năm, ôn dịch phát sinh, nên làm lễ là để tránh dịch và những tác hại khác. Cũng vào lúc này người ta làm bùa và hái lá làm thuốc. Đó chính là lễ hội của mùa chuyển tiếp xuân sang hè.
Trong ngày này lại có lễ biếu quà ông bà, cha mẹ, thầy học, thầy lang, nhạc gia kể cả những chàng trai đã dạm hỏi vợ cũng phải đi sêu Tết. Đây là những nét thật sự đặc trưng của Việt Nam một nếp sống ân nghĩa vẹn toàn. Nói đến bùa, bộ ký hoạ này cũng cung cấp cho ta một số loại bùa trong đó có lá bùa ”Khả bảo Bình an” (hình 10). Và đây là lá bùa vẽ hình con hổ đang trong tư thế ngồi nhìn
nghiêng, râu ria xồm xoàm, trên đầu và dưới chân vẽ những những nét ngoằn ngoèo đen đậm . Hai bên có những dòng chữ Hán “Trừ tà trị bịnh” và “Trấn trach bình an”. Có lẽ các loại bùa này được số đồng cốt quàng xiên thời ấy sử dụng vào ngày Tết Đoan dương (hình 11).
Còn một tục mê tín nữa là mang vải lụa đến các chùa để xin in dấu, vẽ bùa thần Phật đem về may áo cho trẻ – song không được may quần – có ý trừ tà ma như bức “Trẻ con mặc áo dấu” (hình 12) bên đây. Áo này gọi là áo dấu. Nhiều gia đình sinh con khó nuôi cũng cho mặc loại áo này cho đến khi chúng lên bốn, lên năm. Loại này phải được giặt giũ riêng, không được giặt chung với quần áo người lớn. Giới con buôn chờ đến ngày này tụ họp tại các chùa nổi tiếng linh thiêng mà đem vải lụa ra bán tại chỗ, tiện lợi cho thiện nam, tín nữ! Lễ giáo phong kiến, tín ngưỡng đạo Phật đã phát sinh ra nhiều nghi thức có khi phức tạp ấy đã trùm phủ lên nội dung lành mạnh, chất phác của hội chùa.
Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học)