Trò chơi trẻ con

Các trò vui chơi (Phần 2)

      1. ĐÁ CẦU
Đá cầu

Hình 237: Đá cầu

     Trong các trò chơi, chúng ta không thể không nói đến môn đá cầu với nguồn gốc xa xưa của nó. Ngày mùng 3 Tết, vua ngự ra gác Đại Hưng xem các thái tử và nội thị đá cầu. Kẻ nào đá liên tiếp không rơi là thắng cuộc. Quả cầu tròn, to bằng nắm tay trẻ con được làm bằng gấm, chung quanh quấn lụa. Lại còn có một dạng đánh cầu bằng tay trên lưng ngựa mà quan lại hay chơi.
Môn đánh cầu bằng gậy trên lưng ngựa, phải chăng là một môn chơi khá phổ biến của vua quan khắp Châu Á? Ở Việt Nam, môn này thấy xuất hiện từ đời Lý, do du nhập từ vua quan xứ Chiêm Thành (Theo sách Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn).
     Người chơi chia làm hai phe. Mọi người đều cầm cái trượng, tức cây gậy dài bằng gỗ, dẹp bản, cố đánh quả cầu cho rơi vào cửa đối phương thì thắng cuộc. H.Oger chỉ cho ta bức họa đá cầu bằng đồng xu (hình 237).

       2. TUNG CÒN

     Trò chơi xuân có nhiều và đa dạng. Ở các miền cao, trong những ngày đầu xuân hay có tục “tung còn”. Đây là dịp trai gái tự do giao thiệp với nhau. “Còn” là một quả cầu, ngoài bọc vải màu, trong nhồi trấu hay rơm cho nhẹ, một đầu có kết tua. Trên bãi cỏ, một bên trái, một bên gái đứng thành hình chữ nhật cách nhau mười thước. Quả cầu được trao qua lại, bên tung bên bắt. Nếu ai bắt trượt phải tung một vật mà mình đang đeo trong người. Có người thua đến nỗi chỉ còn …. một chiếc quần dính vào thân. Tàn cuộc, người thắng trả lại hết các đồ vật và buộc người thua phải uống rượu phạt. Có nơi như Phủ Quỳ (Nghệ An), Lang Chánh (Thanh Hóa), Bảo Lạc (Cao Bằng) còn có tục chơi hang Ré (ở Lang Chánh) và mang theo thực phẩm để lễ thần. Gái trai xúng xính trong bộ cánh đẹp “thổi khèn”, hát đúm, tung còn, uống rượu từng đôi rồi tìm nơi thanh vắng để tình tự, đính ước trăm năm.

Đấu roi

Hình 238: Đấu roi

     3. ĐẤU ROI

     Từ Thanh Hóa trở vào, có môn đấu roi (Trung bình thiên) gọi nôm na là “đánh gậy”. Gậy dài trên ba thước, đầu có quấn giẻ tẩm vôi trắng để đánh dấu vào mình đối phương. Ai bị nhiều dấu trắng tức trúng nhiều đòn, phải thua. Để thấy một dấu roi như thế nào, chúng ta hãy xem bức tập roi bên đây (hình 238).

     4. VẬT CÙ, ĐÁNH PHẾT

     Vật cù (gần với bóng rổ phương Tây) là môn tranh nhau quả cấu bằng gốc tre sơn màu để ném lên rổ đối phương. Chiếc rổ này thường được treo trên một ngọn tre cao vút. Môn “đánh phết” (hình) là môn sở trường của làng “Phù Đổng” (Bắc Ninh) và làng Hiền Quan (Phú Thọ) – gần giống với môn khúc côn cầu của phương Tây. Người chơi được chia làm hai phe, mỗi phe cầm một cái gậy tre, đầu uốn cong, để đẩy trái cầu bằng gốc tre vào rổ bên đối phương.

Cưỡi ngựa đánh phết. Hình trích "trò chơi dân gian"

Cưỡi ngựa đánh phết. Hình trích “trò chơi dân gian”

—————
Hình:
Cưỡi ngựa đánh phết – Hình trích “Trò chơi dân gian” – Nhà xuất bản TP.HCM năm 1990 – Do Phan Thanh Hiền, Huy Trang, Nguyễn Khánh Trâm sưu tầm — Trang 24, 25.

5. THÊM VÀI TRÒ CHƠI KHÁC
Còn-Throwing. Hình trích “Trò chơi dân gian”

Còn-Throwing. Hình trích “Trò chơi dân gian”

     Có nơi tổ chức đánh cờ người. Lắm lúc người được giải lại là các cô gái mười bảy, mười tám chứ không hẳn là các cụ già bảy tám mươi. Có nhiều nơi lại bày những trò vui chơi vừa đánh bắt thú vừa để xem vận hội năm mới. Ai săn được nhiều chim bắt được nhiều cá sẽ được may mắn suốt năm.

     Làng ngư Xá (tỉnh Hà Đông), Phù Cưu (Hà Tĩnh) đến ngày hội, cả trai gái, già trẻ bé lớn đều ùa ra sông ngòi, ra ngoài đồng chăng lưới, úp bắt cá. Cá bắt được trước là để tế thần, sau chia nhau.

     Riêng tại làng Lang Chánh (Thanh Hóa) có tục “Tết cơm cá” vào tháng ba. Món ăn trong dịp này là thịt những con cá lớn nhất trộn với muối và gạo nếp đã ngâm sẵn bằng nước lá sả, rồi đồ lên như đồ xôi, vì không dùng gạo tẻ.

     Tại làng Tích Sơn (Thanh Hóa), Yên Đổ (Hà Nam) lại tổ chức thi đuổi lợn, đuổi cuốc vào mùng hai Tết để khích lệ tài tháo vát, lanh lợi. Ngày thi trò chơi được báo trước cho dân làng để mọi người đổ hết ra đồng. Một con lợn to, khỏe được thả ra để các thí sinh tranh nhau đuổi bắt. Riêng trò đuổi thì già trẻ, bé lớn đều nai nịt gọn gàng chờ tiếng cồng nổi lên là ào chạy ra đồng để đuổi bắt.

     Đặc tính của giống chim này là thích tìm nơi thanh vắng để kiếm mồi. Khi nghe tiếng người thì lủi nhanh vào các bụi rậm, ven bờ ruộng. Nhưng khi quá hốt hoảng thì tự ngã lăn ra cho người bắt. Bắt được lợn hay cuốc, người ta tin rằng sẽ được may mắn quanh năm. Tết ở Việt Bắc, người ta mở hội “Lồng tồng” từ sau Tết Nguyên Đán cho đến Tết Thanh Minh.

     “Lồng tồng” theo tiếng Tây Nùng là “xuống đồng”. Vào ngày hội này, dân bản làm cỗ cúng Thần Nông, trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp vừa thu hoạch được, đồng thời tổ chức những cuộc vui chơi, nhộn nhịp như đánh vật, đua thuyền, kéo co, diễn võ … đặc biệt nhất là hát xuống đồng và tung còn (hình). Ở Quảng Đông, có nơi bọn trẻ tụ họp nhau ngoài đồng chơi trò lấy đất chọi nhau. Có nơi lại dùng sào dài đấu nhau.

     Ngày nay, chúng ta ít nghe đến tục rước cái “nõn nường” trong hội hè tháng giêng (làng Khúc Lạc và Di Nậu tỉnh Phú Thọ). “Nõn nường” là gì ? Đây là khúc gỗ được đẽo thành bộ phận sinh thực khí của nam và nữ. Sau một cuộc rước long trọng, người ta tranh nhau cướp lấy “vật báu” của loài người ấy mà từ thuở xa xưa tiền nhân đã từng tôn thờ, để được vận may trong việc chăn nuôi, chửa đẻ, sinh sôi nẩy nở giống nòi.

—————
Hình:
Còn-Throwing. Hình trích “Trò chơi dân gian” – Nhà xuất bản TP.HCM, năm 1990 – Do Phan Thanh Hiền, Huy Trang, Nguyễn Khánh Trâm sưu tầm — Trang 30.

Nguyễn Mạnh Hùng (PGS.TS Sử học)