Trò chơi trẻ con

Các trò vui chơi (Phần 1)

   1.  ĐÁNH ĐU

     Trong các trò chơi lại có trò đánh đu (hình 232) . Cây đu đi vào Tết của tuổi trẻ từ trước thế kỷ 15. Trong “Hồng Đức Quốc Âm thi tập” có bài vịnh cây đu. Đu có nhiều loại: nào là đu thang, đu rút, đu giằng xoay, đu tiên ... Và có nhiều lối chơi đu khác nhau. Giải thưởng trong cuộc thi đánh đu gồm vài chục quả cam, vài vuông vải điều, hộp chè, bao thuốc… Muốn giật giải, người chơi đu phải đu lên ngang ròng rọc. Lúc lên tới đích, có thể đưa tay với lấy chiếc khăn rồng ở tầm cao ngang cánh đu bay qua. Người đánh đu còn phải nhúng sao cho đẹp mắt:

Nhún mình như thể nhún đu,
Càng nhún, càng dẻo, càng đu càng mềm”

Đánh đu

Hình 232: Đánh đu

     Đánh đu là một loại hình trò chơi dân gian phổ biến trong các lễ hội truyền thống tổ chức trong nhiều làng xã ngoại thành Hà Nội: Cổ Loa, Dục Tú, Liên Hà, Ninh Hiệp, Kim Sơn, Vĩnh Quỳnh, Tứ Hiệp, Mễ Trì. 
     Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”: “Vào đời Lý – hằng năm cứ đến mùa Xuân – vào tháng Giêng – là con trai, con gái đều họp nhau đánh đu”.
     Đu có nhiều cách cấu tạo khác nhau – song loại đu phổ biến nhất ở đồng bằng Bắc bộ là loại đu bay (1). Người đu được nhấc bay bổng lên cao hàng chục mét – có khi toàn thân nằm ngang với mặt đất. Người ta phải chọn một khoảng ruộng cao ráo còn phơi chân rạ và gần đình làng – nơi diễn ra ngày hội – để đặt đu. Người ta dùng loại tre đực bánh tẻ để trồng giàn đu (khoảng từ 4, 6 hay 8 cột tạo thành 2 hàng). Ngọn đu được chụm lại như gọng vó, kết cấu với nhau bởi then ngang. Đỉnh cột đu được đặt một ngọn tre thon thả làm xà đu và có hai gông để nối với tay đu. Đối với tay đu, người ta phải chọn cây thuôn, róc nhẵn mấu – vừa tay nắm, độ dài vừa tầm cho người đứng dưới ruộng có thể nhảy được lên bàn đu.
     Tuy nhiên, ta hãy trở lại việc chọn tre làm đu vì đây là khâu trọng yếu nhất để đảm bảo độ an toàn cao. Vì nếu chọn tre không đúng tuổi sẽ nguy hiểm do già sẽ kém đàn hồi, còn non lại yếu. Hơn nữa tre không được có đốt kiến vì dễ gẫy. Cuối cùng, sau khi mọi việc hoàn tất rồi cũng được dùng ngay mà phải niêm phong lại để một vị lão làng tới kiểm tra. Xong đâu đấy, cụ cho gỡ niêm phong, đóng một hồi trống cái, chắp tay vái bà con xóm làng rồi bước lên bàn đu, khai mạc trò chơi khiến cho trai gái rộn ràng:

“Có nam có nữ mới nên xuân”

______
(1) Theo DÂN QUANG – Thú chơi đu – Báo Nhân Dân 22/2/1998.

2. BẮT CHẠCH

     Trong cảnh vui xuân, ta không thể quên trò “bắt chạch” (hình 233). Một người thò tay trái vào cái chum lớn để cố bắt cho được con cá chạch khá to đang nổi trên mặt nước. Nhưng cảnh bắt chạch này chưa vui vì chỉ có một người.

Bắt Chạch

Hình 233: Bắt Chạch

Trong bức tranh “du xuân đồ(hình 234) – H.Oger cho ta một cảnh chơi xuân với bài thơ Nôm:

“Thời bình sở hội xuân
Nô nức quyết xa gần
Nhạc dân ca trong điện
Trò thưởng vật ngoài sân”.

    Ở đây, một nhà trò đang hát dâng rượu cho hai quan viên đang ngồi thưởng thức giọng hát và tiếng đàn đang gảy của người đứng cạnh. Bên trái là trò bắt chạch có ghi câu chữ Nôm: “Hai ta quyết lấy giải lày”.
     “Giải lày” đây là một xâu tiền thưởng treo trên nóc đình. Còn hai ta là một ông, một bà, mỗi người để một cánh tay choàng qua vai nhau, cánh tay còn lại cho vào cái chum mò sát đáy để “hợp đồng” bắt cho được con cá chạch. Trong quyển “Tranh dân gian Việt Nam” (2) của M. Durand, có sưu tập bức tranh tương tự nhưng dài hơn với lời giải thích: “Phía trên, bên trái hai người có lẽ là hai đấu thủ vẫn thò tay vào một cái bao, trên có đề máy chữ “Hai ta quyết lấy giải lày”. Cái bao ấy có phải là cái bao đựng tên địch thủ mà họ bắt thăm hay là hai người này đang chơi một trò gì khác. Giả thuyết thứ nhất, căn cứ vào những câu thơ ở trên, có lẽ là
đúng nhất”.

Bức tranh "Du Xuân Đồ"

Hình 234: Bức tranh “Du Xuân Đồ”

     Rõ ràng, M. Durand đã nhận xét không đúng vì đây chính là trò “bắt chạch”. Chạch thả trong chum chứ không phải là thăm bỏ trong bao. Hai người đây là một nam một nữ mặc yếm đen, đang quàng vai nhau mà không phải hai nhà đấu vật
đang ôm nhau!.
______
(2) M.DURAND – Imagerie populaire Vietnamienne (Tranh dân gian Việt Nam) – Sách đã dẫn – Trang 4.

3. ĐI CẦU KHỈ
 Đi cầu khỉ

Hình 235: Đi cầu khỉ

     Trong các trò vui cũng có trò đi cầu khỉ (hình 235). Người đi qua cầu, nếu không trượt chân ngã xuống thì được thưởng. Phần thưởng là một vuông lụa và xâu tiến treo lủng lẳng ở mức đến để nhử mồi (Thừa cầu kiều, Bộ bất truy giả, hữu thưởng).

     Tuy nhiên, lại còn có trò chọc thùng phẩn (hình 236). Cụ Đào Duy Anh giải thích trò này như sau: “Treo một thùng nước ở trên cao, một người đứng trên một cái xe chạy qua dưới thùng, cầm cây sào chọc vào cái lỗ dưới thùng cho thùng trút nghiêng đổ nước xuống”. Trong bức ký họa này, người chọc thùng không đứng trên xe mà đứng dưới đất. Nhưng người này chọc thùng nước hay chọc thùng phẩn?. Có ý kiến cho rằng trò này du nhập từ Pháp trong ngày hội Tây để kỷ niệm ngày phá ngục Bastille (14- 7-1798) của dân chúng Paris. Sĩ phu Bắc Hà gọi trò vui này là trò chọc thùng phẩn để bộc lộ tình thần bài thực dân thời ấy(?).

Chọc thùng phẩn

Hình 236: Chọc thùng phẩn

 

Nguyễn Mạnh Hùng (PGS. TS Sử học)